Sinh ra một em bé khỏe mạnh cả về tinh thần và thể chất là niềm mong ước của mọi gia đinh. Để có được niềm hạnh phúc đó, sự chuẩn bị của vợ chồng bạn trước khi mang thai là hết sức cần thiết.
Chế độ ăn uống
Để có một tinh trùng, trứng trưởng thành cần có một thời gian là khoảng 3 tháng, vì vậy, kế hoạch mang thai của bạn nên bắt đầu từ 3 – 4 tháng trước đó.
Một chế độ ăn giàu dinh dưỡng cung cấp đủ các yếu tố vi lượng là hết sức cần thiết cho cả hai vợ chồng. Điều chỉnh chế độ ăn hợp lý để có đầy đủ chất dinh dưỡng, cơ thể bạn cân đối cũng là chuẩn bị cho một thời kỳ khỏe mạnh, vì một cơ thể quá gầy hay quá tăng cân đều có thể có rối loạn về nội tiết kèm theo dẫn đến khả năng có thai giảm, nguy cơ sảy thai, thai lưu, tiền sản giật, sản giật tăng lên.
Chuẩn bị mang thai, phụ nữ cần tiêm vắc-xin dự phòng một số bệnh. Ảnh: TM
Bổ sung acid folic
Acid folic hay vitamin B9 cần thiết cho sự phát triển và phân chia tế bào của người, động vật, thực vật và cần thiết cho sự hình thành của tế bào máu. Nhu cầu acid folic đối với người bình thường là 180 – 200 mcg/ngày, nhưng với phụ nữ mang thai thì nhu cầu tăng lên là 400mcg/ ngày để đáp ứng sự gia tăng của quá trình phân chia tế bào, cần cho sự tổng hợp nhân tế bào và protein của bào thai, rau thai. Nếu thiếu acid folic trong khi mang thai bà mẹ có thể thiếu máu hồng cầu khổng lồ, tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, thai suy dinh dưỡng và thậm chí có thể sinh ra đứa con bị khuyết tật của ống thần kinh. Sự hình thành ống thần kinh xảy ra vào khoảng ngày 28 sau khi thụ thai, do vậy, phải bổ sung acid folic từ trước khi thụ thai mới có hiệu quả dự phòng khuyết tật ống thần kinh cho thai nhi. Các nhà khoa học khuyến cáo, tất cả phụ nữ có ý định mang thai nên bắt đầu bổ sung acid folic 3 tháng trước thời điểm có thai bằng chế độ ăn thực phẩm giàu acid folic hoặc bổ sung bằng thuốc. Các thực phẩm giàu acid folic như gan động vật, các loại rau có màu xanh thẫm (rau muống, rau ngót, rau súp lơ xanh…) và một số hoa quả như cam, bưởi hoặc bổ sung bằng dạng thuốc uống với liều 400mcg acid folic/ngày trước khi mang thai ít nhất 3 tháng và uống kèm với viên sắt từ khi phát hiện có thai đến sau sinh 1 tháng.
Bổ sung omega-3
Omega-3 là chất cần bổ sung trong giai đoạn chuẩn bị mang thai và suốt quá trình thai nghén. Đặc biệt, nó là chất không thể thiếu trong quá trình phát triển trí não của trẻ. Khi omega-3 trong cơ thể thiếu sẽ kéo theo nguy cơ sinh non và trẻ sinh thiếu cân, chậm phát triển tinh thần. Chính vì thế, các bà mẹ cần chú ý bổ sung đầy đủ omega-3 trước khi mang thai. Cá (cá thu, cá hồi, cá ngừ,…), dầu thực vật là những thực phẩm giúp cung cấp omega-3.
An toàn khi lựa chọn thực phẩm
An toàn thực phẩm luôn là khâu quan trọng hàng đầu mà bạn cần chú ý, đặc biệt trước thời điểm thụ thai. Vì thuốc bảo vệ thực phẩm, chất phụ gia, chất tạo màu không rõ nguồn gốc, quá liều lượng… có thể không ảnh hưởng nhiều đến cơ thể người mẹ nhưng lại ảnh hưởng lớn đến thai nhi.
Một số điều nên tránh
Bạn có thể đã biết thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi, nhưng hơn thế nữa thuốc lá còn làm giảm số lượng và chất lượng của tinh trùng. Một nghiên cứu sâu hơn còn cho thấy, những người phụ nữ khi mang thai bé trai bị “hút” thuốc lá thụ động (chồng, đồng nghiệp hút thuốc lá, phòng kín nhiều khói thuốc lá) thì đứa con sau này sẽ có nguy cơ giảm khả năng sản sinh tinh trùng.
Rượu làm giảm số lượng và khả năng di chuyển của tinh trùng, tăng tỉ lệ dị dạng của tinh trùng và là tiền đề cho dị tật thai, chậm phát triển trí não.
Chế độ làm việc căng thẳng, công việc nhiều áp lực gây stress có thể làm rối loạn sự rụng trứng, giảm sinh tinh trùng và rối loạn chức năng tình dục. Vì vậy, để chuẩn bị sinh con, vợ chồng bạn nên điều chỉnh chế độ làm việc, có khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý, đặc biệt là phụ nữ.
Lời khuyên của bác sĩ
Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và gây sảy thai, đẻ non, tăng dị tật thai như nhiễm Clamydia có thể gây tắc vòi trứng gây vô sinh, nhiễm giang mai dẫn đến đứa trẻ sẽ mắc bệnh giang mai bẩm sinh, viêm nhiễm phụ khoa gây viêm màng ối gây rỉ ối, nhiễm khuẩn trong tử cung. Có thể bạn không có triệu chứng, không rõ dấu hiệu của viêm nhiễm phụ khoa nhưng việc khám phụ khoa trước khi mang thai rất quan trọng bởi các triệu chứng của viêm nhiễm phụ khoa thường không rõ rệt, không điển hình. Bệnh lý lây qua đường tình dục có khi chỉ xét nghiệm mới phát hiện ra được như nhiễm virut viêm gan B, HIV, giang mai.
Tiêm phòng vắc-xin dự phòng một số bệnh đặc biệt là các bệnh dễ lây qua đường hô hấp mà gây hậu quả nặng nề cho thai như vắcxin cúm, Rubella (sốt phát ban kiểu Đức), nhưng nhớ lưu ý việc tiêm phòng nên kết thúc trước khi có thai 6 tháng.
Quá trình thai nghén làm thay đổi nhiều trong cơ thể người mẹ, tăng gánh nặng cho hệ thống tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa nội tiết…; với người bình thường thì cơ thể sẽ tự điều chỉnh và có thể thích nghi được, nhưng với người có bệnh lý từ trước như bệnh lý tim mạch, thận, nội tiết,bệnh hệ thống thì thai nghén có thể ảnh hưởng nặng nề và làm nặng các bệnh có từ trước. Vì vậy, nếu bạn đang theo dõi điều trị các bệnh lý mạn tính như: tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh thận, cường giáp, suy giáp, lupus ban đỏ,… bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được lời khuyên về khả năng mang thai và các loại thuốc dùng trong quá trình mang thai.
Theo suckhoedoisong