Cấp cứu trong đêm nghẹt thở tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Gần 3h sáng, tiếng còi xe cứu thương tiếp tục vang trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy, nhóm điều dưỡng và bác sĩ trực cấp cứu lập tức có mặt. Bệnh nhân thứ 59 trong đêm là một thanh niên nằm mê man, người bê bết máu.

Đêm 7/5, gần như cánh cổng cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy không có lúc nào dừng hoạt động, bởi cứ mươi mười lăm phút lại có một chiếc xe cấp cứu xuất hiện. Hầu hết người được chở đến đều trong tình trạng nguy kịch. Không ít trường hợp chỉ chậm vài giây là tắt thở.

Nhận ca lúc 21h, chưa kịp hoàn tất thủ tục tiếp nhận các bệnh nhân còn lại từ ca trực trước, bác sĩ trưởng ca Trần Minh Toàn cùng 9 bác sĩ và hơn 10 điều dưỡng khoa Cấp cứu đã phải đón gần 10 bệnh nhân mới.

Có mặt từ bãi dừng của xe cứu thương là hộ lý Nguyễn Thị Trang, người đã có gần 30 năm phục vụ bệnh nhân cấp cứu. Chị gần như không lúc nào dừng tay dừng chân. Vừa nghe tiếng còi cấp cứu trên đường Nguyễn Chí Thanh như có vẻ hướng về phía bệnh viện, chị Trang đã thoăn thoắt đẩy băng ca ra đón.“Anh cho biết bệnh nhân tên gì, ở đâu, bị tai nạn như thế nào, số điện thoại của người thân là bao nhiêu”, một điều dưỡng hỏi. Câu hỏi khá đơn giản, tuy nhiên người đi cùng với bệnh nhân thường chỉ trả lời được mỗi tên và cho biết “bị tai nạn giao thông”, ngoài ra không còn biết gì khác. Biết việc lấy thông tin thất bại sẽ phiền phức, song thấy bệnh nhân nằm bất động, bác sĩ Trần Văn Hoàng vẫn quyết định “cứ điều trị trước rồi tính sau”.

Chiếc băng ca vừa được đẩy vào trong phòng thì cũng là lúc tiếng xe còi cấp cứu ở cổng vang lên. Lần này bệnh nhân đến từ tỉnh Bình Phước là một cụ bà nằm bất động. Theo lời người nhà, bệnh nhân trượt chân khi bước lên bậc thềm nhà sau đó liệt luôn nửa người. Bệnh viện địa phương thấy khó điều trị nên chuyển viện.Sau vài giây lấy thông tin, bệnh nhân được xếp vào dạng nặng nên chuyển luôn vào phòng hồi sức cấp cứu tích cực, nơi có hệ thống máy trợ tim, trợ thở và bác sĩ trưởng ca đang chờ sẵn. Tại phòng lúc này là 3 bệnh nhân khác, trong đó 2 trường hợp tai nạn giao thông mặt mày đầy máu, một còn lại bị di chấn chấn thương trên nền bệnh viêm màng não.

“Trâm, gọi người nhà đóng tiền, đẩy ngay ca này đi chụp CT lại rồi lấy kết quả thật nhanh. Phụng, ca kia cần đặt nội khí quản, nhờ bác sĩ nào rảnh tay vào phụ”, bác sĩ Toàn vừa phân công các điều dưỡng vừa bước đến gần một trong các bệnh nhân, đưa tay véo vào ngực một bệnh nhân khác để thử phản ứng.

70 93 Cấp cứu trong đêm nghẹt thở tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Bác sĩ Toàn đang chăm sóc cho một ca cấp cứu nguy kịch. Ảnh: Thiên Chương

23h, bệnh nhân từ các tỉnh Đồng Nai, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp và cả TP HCM lại tiếp tục được đưa đến. Căn phòng rộng khoảng 200 m2 gần chật kín chỗ với hơn 30 bệnh nhân. Người nằm ôm bụng kêu rên, người làu bàu mấy câu vô nghĩa nhưng đa số là nằm yên không mở mắt, rất nhiều bệnh nhân máu me lấm lem.

24h30, phòng hồi sức cấp cứu tích cực vẫn có 5 bệnh nhân nặng nhất nằm để được theo dõi. Tiếng máy đo nhịp tim vẫn kêu lên và những chỉ số cứ thay đổi liên tục. Vừa rời bàn làm việc sau khi ký lệnh chuyển bệnh nhân về khoa cho một số bệnh nhân đã qua cấp cứu, bác sĩ Toàn mang vội chiếc bao tay mới, rồi xắn giúp bác sĩ Hoàng đang đặt nội khí quản.“Có khả năng tràn khí màng phổi nên ca này cần chụp hình lại”, bác sĩ Hoàng nói. Cùng lúc, anh đi nhanh đến bồn rửa tay rồi thay thêm một chiếc găng mới để lấy đường huyết cho một nam bệnh nhân.Cùng với bác sĩ trưởng ca, tại một khu vực khác của phòng cấp cứu, bác sĩ Hoàng, bác sĩ Thanh Bình, điều dưỡng Thủy cũng hoạt động liên tay. Cả nhóm sinh viên y khoa thực tập cũng kiên trì bám trụ cùng thầy cô để giúp rửa, băng hoặc vá các vết thương nhỏ.

Công việc ít dần từ tầm 3h sáng, nhưng tác phong khẩn trương, hết hỏi thăm bệnh nhân này lại giải quyết yêu cầu của thân nhân của bệnh nhân kia của các bác sĩ vẫn kéo dài đến 7h sáng hôm sau, khi ca trực kết thúc. Những gương mặt hốc hác, những đôi mắt thâm quầng của các nhân viên y tế sau một đêm trực cấp cứu thể hiện rõ cái mệt đã ngấm vào họ, song không ai phàn nàn. Ca trực của họ đêm 7/5 đã tiếp nhận gần 100 bệnh nhân.“Bệnh nhân cấp cứu toàn nguy kịch, làm sao bác sĩ dám cho phép mình mệt mỏi và ngừng tay?”, bác sĩ Toàn, người đứng mũi chịu sào trong ca trực nói.Không chỉ có bác sĩ chính, hầu hết các điều dưỡng hộ lý làm việc cả đêm đều cho biết họ không có thời gian để nghĩ đến chuyện cực nhọc.

“Tôi thức suốt đêm trong ca trực đã nhiều năm rồi. Sáng về nhà toàn thân rã rời, nhưng lúc làm việc nhìn thấy bệnh nhân cần mình, người thân họ lo lắng, ai dám nghĩ đến việc mệt mỏi của bản thân nữa”, hộ lý Trang nói.

Tại TP HCM nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung, Chợ Rẫy là bệnh viện đa khoa tuyến cuối. Mỗi ngày, khoa Cấp cứu của bệnh viện này tiếp nhận từ 250 đến 350 bệnh nhân với đủ loại chấn thương hoặc bệnh lý ở mức nặng. Ngày cao điểm có khi bệnh nhân cấp cứu lên đến hơn 400 người. Trong khi đó khoa có khoảng hơn 30 bác sĩ, chia làm 4 ê kíp và thay nhau 3 ca trực mỗi ngày.

Cùng với khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, hằng đêm, cũng tại TP HCM, khoa Cấp cứu của những bệnh viện khác như Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, cấp cứu Trưng Vương, Bệnh viện cấp cứu Sài Gòn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới… cũng thường xuyên tấp nập bệnh nhân.

Theo suckhoegiadinh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *