Nói sao cho con trẻ nghe lời

Khi con mắc sai lầm, phản ứng tự động của các bậc phụ huynh thường là la mắng hay chỉ trích bé. Thử đặt mình vào vị trí của bé, bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu mỗi lần bạn mắc lỗi cũng đều nhận được những lời lẽ như thế. 

Dù bạn thấy điều nào quan trọng hơn, nuôi dạy con biết vâng lời, biết phục tùng mệnh lệnh của bố mẹ, hay tạo cho con tư duy biết phê phán, phản biện thì rõ ràng cha mẹ nào cũng thích được đón nhận sự hợp tác vui vẻ của đứa trẻ.

Trong cuốn sách How to Talk so Kids Will Listen and Listen so Kids Will Talk,hai tác giả Adele Faber và Elaine Mazlish đã đưa ra những ý tưởng thông minh giúp bạn có thể phát triển tinh thần hợp tác vốn có sẵn của trẻ.

me con Nói sao cho con trẻ nghe lời

1. Miêu tả rõ ràng

Khi con mắc sai lầm, phản ứng tự động của các bậc phụ huynh thường là la mắng hay chỉ trích bé. Thử đặt mình vào vị trí của bé, bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu mỗi lần bạn mắc lỗi cũng đều nhận được những lời lẽ như thế. Động lực của bạn và giá trị của bạn đã bị hạ xuống mức thấp nhất, làm thế nào mà bạn còn muốn hợp tác với người đã đối xử với bạn như vậy?

Khi bình luận một cách đơn giản và chính xác về các yếu tố mà bạn nhìn thấy, bạn đã cho bé cơ hội nhìn thấy bé đã sai như thế nào, để sau đó bé sẵn sàng hợp tác với bạn. Nếu bé không biết làm thế nào để sửa chữa sai lầm của mình theo lời miêu tả của bạn về cái gì đã đi sai hướng, hãy chỉ cho bé cách để sửa đổi.

Bạn không cần thiết phải làm một bài thuyết giảng dài dòng. Faber và Mazlish gợi ý, bạn chỉ cần nói một từ đơn giản, ví dụ từ khép cửa, thay vì liên tục càm ràm rằng con đã để cửa mở và khiến không khí nóng bên ngoài tràn vào nhà, khiến mẹ tốn tiền điện bật điều hòa. Trẻ em sẽ chú ý điểm trọng tâm và bé sẽ tự động nhớ khép cửa mà không cảm thấy bị bố mẹ chê bai hay chống đối.

2. Chia sẻ cảm xúc của bạn

Con trẻ bản chất tự nhiên là mong muốn làm cha mẹ hạnh phúc miễn là cha mẹ không có những hành động miệt thị đối với trẻ. Bạn hãy thử nghĩ về cha mẹ mình, khi mối quan hệ của bạn với bố mẹ không vui vẻ, bạn luôn cố gắng nài nỉ để được bố mẹ thừa nhận. Khi chúng ta tôn trọng trẻ thì thái độ của bọn trẻ đối với chúng ta cũng là tôn trọng và chúng luôn mong muốn được chúng ta nhận thấy mặt tốt của chúng.

Khi bạn đáng tin và nhân hậu, bạn có thể kết nối với con mình ở mức độ sâu sắc hơn. Khi bọn trẻ làm điều gì đó khiến bạn không hài lòng hoặc bực tức, hãy thể hiện cảm xúc của mình về tình hình, nhưng đừng tấn công nhân vật đã gây ra tình hình đó và con bạn nhiều khả năng sẽ muốn sửa chữa tình hình, điều đã gây ra sự khó chịu cho bạn.

3. Cung cấp sự lựa chọn

Ví dụ khi bé đang chơi trong công viên, bạn muốn về nhà, bạn có thể cho phép bé được lựa chọn rời khỏi sân chơi ngay lập tức, hoặc ở lại sân chơi thêm 15 phút trước khi rời. Đừng bao giờ phũ phàng “Đi về đi” rồi lôi xềnh xệch bé ra khỏi sân chơi. Cho phép bé có thời gian chuyển tiếp, bé sẽ thoải mái và dễ thích ứng hơn.

Faber và Mazlish cũng đưa ra một ví dụ trẻ thường nghịch ngợm hoặc đi xa cha mẹ trong các siêu thị. Phụ huynh có thể cho phép bé đi bên cạnh hay ngồi trong xe hàng. Nếu trẻ chọn ở đi bên cạnh chiếc xe, nhưng sau đó không giữ lời hứa mà chạy lung tung, thì cha mẹ sẽ yêu cầu bé phải vào xe đẩy ngồi. Trẻ có thể không thích điều đó, nhưng trong trường hợp này bé đã được lựa chọn và bé đã không giữ lời.

4. Cho bé biết hậu quả tự nhiên

Cho trẻ biết về những hậu quả thực tế từ hành vi của bé là rất quan trọng. Adele Faber và Elaine Mazlish đã kể lại câu chuyện một thiếu niên mượn áo len của cha mình. Một tuần sau khi cho con mượn, người cha tìm thấy chiếc áo len cáu bẩn và vứt ở góc phòng riêng của con trai. Người cha đã nói với đứa con rằng ông rất khó chịu thấy chiếc áo như vậy và không chắc sau này có muốn cho con mượn quần áo nữa hay không. Cậu con trai đã phải xin lỗi bố. Một tuần sau đó, cậu lại hỏi mượn bố áo len. Người cha chỉ đơn giản nói không. Không cáu kỉnh, không giải thích. Đứa con trai biết tại sao. Đó là hậu quả tự nhiên. Người ta sẽ khó chịu và không muốn cho những người không giữ gìn đồ đạc của người khác mượn cái gì.

Một tháng sau, cậu con trai lại hỏi mượn áo sơ mi của cha. Lúc này, người cha đã nói với con trai rằng ông muốn con viết cam kết rằng áo sẽ được trả lại trong trình trạng y như khi nó được mượn. Con trai đã viết rất ấn tượng về ý định sẽ làm gì để chăm sóc chiếc áo và người cha đã mủi lòng. Ngay cái đêm sau khi được cho mượn, chiếc áo đã được trả lại cho người cha, sạch sẽ và treo ngay ngắn trên cái móc. Cậu con đã học được một bài học và tự thấy có trách nhiệm phải thay đổi.

5. Gắn kết các giải pháp với nhau

Quá trình này hơi rắc rối, nhưng rất hữu ích khi giải quyết những vấn đề phức tạp. Faber và Mazlish đề nghị quá trình cùng suy nghĩ để kêu gọi sự hợp tác của con bạn khi trẻ nhiều lần vi phạm một nguyên tắc và bạn đang gần hết khả năng kiên nhẫn. Đầu tiên, cha mẹ và con cùng nói về cảm xúc và nhu cầu của trẻ, tìm hiểu lý do tại sao bé liên tục phá vỡ quy tắc, sau đó để cho bé biết hành vi của bé ảnh hưởng như thế nào đến bạn (ví dụ, nếu bé không về đúng giờ, bạn hãy giải thích rằng bạn rất lo lắng).

Cả cha mẹ và con cùng suy nghĩ để tìm ra giải pháp chung. Cả bạn và con cùng viết ra tất cả ý tưởng trên giấy, kể cả ý tưởng nghe có vẻ vô lý, và bạn không chê bai bất kỳ ý tưởng nào của con, bạn chỉ đơn giản là ghi cả ý kiến của bạn và gợi ý của con. Xem xét gợi ý nào mà cả hai cùng thích hoặc cùng không thích. Và cuối cùng, quyết định sự thay đổi nào phù hợp mà cả bố mẹ và con cái đều có thể cùng nhau thực hiện. Để đi đến giải pháp chung, mỗi người đều phải biết nhượng bộ khi cần thiết.

Theo Faber và Mazlish, quá trình này là cần thiết, bởi vì chúng ta đang dạy trẻ rằng bé không cần là nạn nhân cũng không phải là kẻ thù của bố mẹ. Bạn chỉ đang cung cấp cho bé những công cụ để có thể tham gia tích cực trong việc giải quyết những vấn đề mà bé gặp phải (bây giờ, là khi ở nhà, và sau này là những khó khăn đang chờ đợi bé ở thế giới bên ngoài).

Theo VnExpress

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *