Ai cũng có thể bị mắc cúm nhưng những đối tượng như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người bị suy giảm miễn dịch, người suy kiệt hoặc mắc các bệnh mạn tính…
Thời tiết đang chuyển dần từ mùa nóng nực sang mưa nhiều và bắt đầu có những đợt gió lạnh đầu tiên. Đây là giai đoạn dễ bùng phát bệnh cúm với những biến chứng nguy hiểm. Nhân viên y tế thôn bản cần tuyên truyền để người dân nhận biết những triệu chứng và dự phòng các biến chứng của bệnh cúm.
Dễ xuất hiện lúc giao mùa
Cúm là một loại bệnh viêm đường hô hấp, bao gồm đường hô hấp trên (mũi, họng) và đường hô hấp dưới (khí phế quản, phổi) do một loại virut tên là Influenza gây ra. Loại virut này thuộc nhóm Orthomyxoviridae, được chia thành 3 tysp A, B và C. Trong khi virut cúm nhóm A có thể gây bệnh cả ở người và động vật như lợn, chim thì virut cúm nhóm B và C chỉ gây bệnh ở người.
Cúm thường xuất hiện nhiều ở các thời điểm giao mùa hoặc khi thay đổi thời tiết với các triệu chứng dễ nhận biết như sốt cao, đau mỏi toàn thân, đau đầu, ngạt mũi, viêm long đường hô hấp trên (chảy nước mũi, nước mắt, ngạt mũi, hắt hơi, ho nhiều, đau họng…). Bệnh dễ lây truyền trong cộng đồng do hít phải hoặc tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp, đờm rãi có chứa virut từ người bệnh bay ra ngoài không khí khi ho khạc với thời gian ủ bệnh (từ khi nhiễm virut cho đến khi các triệu chứng xuất hiện) khoảng 48h.
Ai cũng có thể bị mắc cúm nhưng những đối tượng như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người bị suy giảm miễn dịch, người suy kiệt hoặc mắc các bệnh mạn tính có nguy cơ cao cả về khả năng bị nhiễm bệnh cũng như các biến chứng nặng của bệnh.
Đeo khẩu trang cho trẻ bệnh để phòng ngừa lây lan bệnh cúm. Ảnh minh họa
Nhiều biến chứng
Biến chứng đầu tiên hay gặp do cúm đó là biến chứng ở phổi. Các biến chứng này có thể trực tiếp do virut cúm gây viêm phổi nặng; do bội nhiễm các vi khuẩn như tụ cầu, phế cầu; do nhiễm các loại vi khuẩn khác ở những bệnh nhân có suy giảm miễn dịch khi đang bị cúm và đặc biệt là cúm luôn là nguyên nhân làm khởi phát đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Viêm phổi nặng do cúm chiếm khoảng 18% trong tổng số các biến chứng ở phổi và thường gặp ở những người trung niên có bệnh tim trước đó. Đây là một biến chứng với các biểu hiện suy hô hấp và tổn thương nặng nề ở phổi trên phim chụp XQ hoặc chụp cắt lớp vi tính ngực. Tỷ lệ tử vong ở thể này có thể lên tới 80% cho dù đã được điều trị tích cực. Viêm phổi do bội nhiễm các vi khuẩn như phế cầu, tụ cầu, H. Influenzae, vi khuẩn gram âm… xuất hiện sau 4 – 14 ngày nhiễm cúm. Bệnh nhân tiếp tục sốt cao, đau ngực, ho khạc đờm vàng, biểu hiện nhiễm khuẩn rõ, chụp XQ, chụp cắt lớp ngực thấy có tổn thương phổi khối. Bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đang ổn định có thể bị bùng phát đợt cấp sau nhiễm cúm. Các triệu chứng chủ yếu là suy hô hấp tăng dần, không đáp ứng với liệu pháp ôxy và các biện pháp điều trị hỗ trợ khác khiến bệnh nhân phải nhập viện.
Trẻ em hay bị viêm xoang, viêm tai giữa do nhiễm khuẩn thứ phát khi bị cúm hơn so với người lớn. Sau 4 – 6 ngày khởi phát các triệu chứng cúm, trẻ kêu đau tai, chảy dịch, chảy mủ tai; ho khạc đờm, dịch mũi màu vàng, hôi; đau vùng xoang và ngạt mũi kéo dài.
Các biến chứng về thần kinh do cúm cũng đã được mô tả trong y văn như viêm não, viêm màng não, viêm tủy cắt ngang và hội chứng Guillain – Barré. Nguyên nhân của tổn thương thần kinh hiện được cho là trực tiếp do virut cúm và một phần do phức hợp kháng nguyên kháng thể. Tổn thương thần kinh trong cúm được xác định bằng triệu chứng lâm sàng, chọc dịch não tủy và chụp cắt lớp vi tính sọ não, chụp cộng hưởng từ cột sống. Ngoài ra bệnh cúm có thể gây viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, làm nặng thêm suy tim ở bệnh nhân đã bị suy tim trước đó.
Dự phòng các biến chứng của cúm
Cúm là một bệnh có khả năng lây nhiễm cao qua đường hô hấp và các biến chứng của bệnh nhiều khi khó dự đoán cả về khả năng xuất hiện cũng như mức độ nặng nên cách phòng tránh biến chứng tốt nhất là tránh bị mắc cúm.
Các biện pháp dự phòng bao gồm giữ sức khỏe, ăn mặc ấm khi trời chuyển lạnh; Tránh những điểm đông người như bến tàu xe, trường học… khi có dịch cúm hoặc vào thời điểm cúm dễ bùng phát; Rửa sạch tay bằng xà phòng và các dụng cụ sau khi tiếp xúc với người bị cúm.
Tiêm vắc-xin phòng cúm: Các đối tượng được khuyến cáo tiêm phòng là những người có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng của cảm cúm như người già, người bệnh tim hoặc phổi mạn tính, kể cả bệnh hen, bệnh thận mạn tính, hoặc suy giảm hệ miễn dịch, trẻ em từ 6 tháng đến 18 tuổi được điều trị dài hạn bằng thuốc aspirin. (Nếu trẻ em dùng thuốc aspirin trong lúc các em mắc bệnh cúm thì có nguy cơ bị hội chứng Reye), người trong hoặc sắp phải đi vào vùng đang có dịch cúm, phải làm nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân cúm,…
Theo suckhoedoisong