Ngưu bàng còn có tên là đại đao, á thực, hắc phong tử… Cây thường mọc hoang và được người dân dùng nấu canh gọi là rau cẩm bình. Là cây thảo lớn, thân thẳng, cao tới 1 – 2m, sống 2 năm, lá hình trái xoan, mọc thành hình hoa thị ở gốc, so le ở trên thân, có phiến lá to rộng, hình tim, mặt dưới lá có nhiều lông trắng, cuống lá dài; cụm hoa hình đầu và mọc ở đầu cành, hoa có màu đỏ hay tím nhạt, nở vào tháng 6 – 7 hàng năm, quả bế, màu xám nâu, hơi cong.
Vị thuốc được sử dụng trong Đông y là ngưu bàng tử (quả chín phơi hay sấy khô), ngưu bàng căn (rễ phơi hay sấy khô) thu hái vào mùa thu năm đầu hoặc mùa xuân năm thứ hai. Ngưu bàng tử vị cay, đắng, tính hàn, có tác dụng trừ phong nhiệt, thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng và sát trùng. Ngưu bàng căn vị đắng, cay, tính hàn, có tác dụng lợi tiểu, làm ra mồ hôi, lợi mật, nhuận tràng….
Một số bài thuốc chữa bệnh:Bài 1: Chữa viêm họng, miệng khát họng rát, ho, khạc ra đờm vàng: Ngưu bàng tử 8g, cát cánh 6g, kinh giới tuệ 6g, cam thảo 3g. Cho tất cả vào nồi, đổ 500ml nước đun còn 150ml, uống trong ngày. Dùng liền 5 ngày.
Hoặc có thể lấy ngưu bàng tử 12g, lá húng chanh 12g, lá rẻ quạt 5g, cam thảo đất 16g. Cho tất cả vào nồi, đổ 500ml nước đun còn 150ml, uống trong ngày. Dùng từ 3- 5 ngày.
Bài 2: Chữa cảm mạo phong nhiệt, sợ lạnh: Ngưu bàng tử 8g sao vàng tán bột, chia uống 3 lần trong ngày, uống với nước nóng.
Hoặc ngưu bàng tử 12g, bạc hà 6g, thuyền thoái 6g. Cho tất cả vào nồi, đổ 300ml nước đun còn 100ml, uống trong ngày. Dùng liền 5 ngày.
Bài 3: Chữa són tiểu, nước tiểu đỏ: Ngưu bàng 12g, mã đề 30g, rau sam 20g. Cho tất cả vào nồi, đổ 300ml nước đun nhỏ lửa còn 100ml, uống trong ngày. Dùng liền 5 – 7 ngày.
Bài 4: Trị mất ngủ do thời thời tiết. Ngưu bàng căn 20g giã nhỏ hoặc ép lấy nước, uống sau khi ăn , trước khi đi ngủ.
Lưu ý: Những người tỳ vị hư hàn, tiêu chảy không nên dùng. Do thể trạng mỗi người khác nhau, nên khi áp dụng các vị thuốc có thể cần gia giảm bởi vậy để chữa bệnh có kết quả cần đến lương y có uy tín để được bắt mạch và bốc thuốc.
Theo caythuocquy