Có rất nhiều lý do dẫn tới việc người bệnh không hợp tác dùng thuốc. Nhiều công trình nghiên cứu đã được các nhà y dược thực hiện ở nhiều nước nhằm đánh giá thực trạng hợp tác dùng thuốc và đề ra các biện pháp hữu hiệu.
Khi gặp các vấn đề về sức khỏe, người bệnh sẽ đến bệnh viện để được bác sĩ khám, chẩn đoán xác định bệnh, kê đơn thuốc và sau đó người bệnh sẽ dùng đúng các loại thuốc đã được chỉ định trong đơn… và hầu hết các bệnh đều được chữa khỏi. Tuy nhiên vì nhiều lý do, người bệnh bỏ ngang việc dùng thuốc, dùng thuốc không đúng liệu trình để bệnh không khỏi và diễn biến thành mạn tính.
Tác hại khi bỏ ngang thuốc
Có những bệnh có thể phải dùng thuốc lâu dài, thậm chí suốt đời (như bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, động kinh…) nếu người bệnh bỏ ngang việc dùng thuốc sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến bản thân người bệnh như bệnh trở nên nặng hơn, thậm chí gây tai biến, tử vong… Nhưng cũng có những bệnh nếu bỏ ngang, không dùng thuốc đúng liệu trình, hậu quả xấu không chỉ xảy ra cho người bệnh mà còn gây nguy hại rất lớn cho sức khỏe cộng đồng. Ví dụ như việc chữa trị bệnh lao phổi không đúng cách, không dùng thuốc theo đúng thời gian của phác đồ điều trị có thể đưa đến hiện tượng “lao đa kháng thuốc” (nhiều thuốc kháng lao không còn hiệu quả) và nay là “lao siêu kháng thuốc” (thuốc kháng lao dự trữ dùng sau cùng vẫn không có tác dụng) rất nguy hiểm.
Vấn đề người bệnh không chịu phối hợp dùng thuốc theo đúng phác đồ điều trị ngày càng trở nên nghiêm trọng. Năm 2003, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng người bệnh không hợp tác, bỏ ngang việc dùng thuốc đã trở thành mối quan ngại toàn cầu cho sức khỏe cộng đồng. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy tỷ lệ không hợp tác, không dùng thuốc trị các bệnh mạn tính có dao động từ 20-80% và WHO chấp nhận tỷ lệ trung bình là 50% (tức là có khảng 1/2 số người trên toàn thế giới đang điều trị một bệnh kinh niên đã bỏ ngang việc dùng thuốc). Hiện nay, các nhà y dược gọi việc bệnh nhân chấp nhận dùng thuốc theo đúng liệu trình của phác đồ điều trị là hợp tác dùng thuốc thay vì trước đây gọi là “tuân thủ dùng thuốc”. Nếu dùng câu chữ “hợp tác dùng thuốc” sẽ cho thấy sự bình đẳng giữa bệnh nhân và thầy thuốc. Bệnh nhân chịu dùng thuốc là vì lợi ích của cả đôi bên (lợi ích của bệnh nhân là được chữa khỏi bệnh, còn lợi ích của thầy thuốc là thực hiện nghề nghiệp cao quý của mình chữa khỏi bệnh).
Bác sĩ là người giúp bệnh nhân nâng cao hiểu biết về bệnh tật và thuốc men.
Giải pháp nào?
Có rất nhiều lý do dẫn tới việc người bệnh không hợp tác dùng thuốc. Nhiều công trình nghiên cứu đã được các nhà y dược thực hiện ở nhiều nước nhằm đánh giá thực trạng hợp tác dùng thuốc và đề ra các biện pháp hữu hiệu. Đối với các nhà chuyên môn y dược, WHO kêu gọi đề xuất các chiến lược cần thiết cải thiện hợp tác dùng thuốc trên phạm vi toàn cầu. Các nhà khoa học nhất trí cho rằng để người bệnh hợp tác dùng thuốc tốt, họ cần được giúp đỡ ba việc sau:
Tiếp cận dễ dàng và thuận lợi với thuốc men: Người bệnh rất dễ bỏ cuộc tiếp tục dùng thuốc nếu thuốc mua với chế độ dùng thuốc quá phức tạp (như dùng quá nhiều lần trong ngày, có thuốc phải dùng đến 5 lần/ngày) hoặc không tiện dụng (dùng dạng tiêm chích thay vì uống) làm người bệnh hoặc ngưng điều trị hoặc thay đổi cách dùng không còn hiệu quả. Điều đáng quan tâm hơn hết là giá thuốc. Giá thuốc cần phải hợp lý, ổn định…
Tăng cường sự hiểu biết của người bệnh về tình trạng bệnh và chế độ điều trị bằng thuốc. Người bệnh cần biết rõ những điều cơ bản về bệnh của họ và về thuốc để hiểu vì sao phải dùng thuốc. Thuốc sẽ cho tác dụng như thế nào đối với bệnh, phải uống thuốc bao nhiêu lần/ngày và cần bao nhiều loại thuốc để chữa khỏi bệnh, khi dùng thuốc có thể bị các tác dụng phụ nào không?
Hình thành và củng cố động cơ hợp tác dùng thuốc ở người bệnh, nghĩa là phải tạo được niềm tin ở người bệnh. Muốn chữa bệnh dứt khoát phải hợp tác với thầy thuốc dùng đúng và đủ thuốc. Ở đây rất cần đến mối quan hệ tốt đẹp giữa người bệnh và các thành viên trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, đó là bác sĩ điều trị, dược sĩ cấp và tư vấn dùng thuốc, điều dưỡng chăm sóc bệnh hàng ngày. Phải tạo niềm tin như thế nào để người bệnh thấy việc nhớ dùng thuốc là mệnh lệnh từ trái tim của mình gắn việc dùng thuốc vào sinh hoạt hàng ngày và duy trì việc dùng thuốc dù sinh hoạt hàng ngày có thay đổi (như người bệnh đi du lịch cũng như ở nhà).
Các nhà khoa học cũng nhất trí để thúc đẩy hợp tác dùng thuốc tốt, cần thực hiện phối hợp các biện pháp sau:
Biện pháp kỹ thuật: Bác sĩ điều trị khi chỉ định thuốc hoặc dược sĩ cấp thuốc nên lựa chọn thuốc mà chế độ dùng thuốc thuận tiện hơn, như dùng dạng thuốc lỏng (siro, hỗn dịch) cho trẻ em; dùng dạng phóng thích kéo dài dùng 1 lần thay vì 3-4 lần/ngày đối với người cần dùng thuốc lâu dài (thậm chí có thuốc trị loãng xương dùng 1 lần/ngày cũng còn có sự bất tiện nay thay bằng thuốc chỉ cần dùng 1 lần/tuần).
Biện pháp truyền thông giáo dục: Trước hết chính bác sĩ, dược sĩ là người thích hợp nhất giúp bệnh nhân nâng cao hiểu biết về bệnh tật và thuốc men chữa trị có liên quan. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, hợp tác dùng thuốc của người bệnh tốt hơn rất nhiều khi nhà điều trị không kiệm lời, chịu khó nói năng với lời lẽ chân tình giúp người bệnh hiểu rõ về bệnh tình để từ đó có sự tin cậy về chế độ dùng thuốc. Người ta cũng ghi nhận vai trò rất lớn của các phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó có báo chí trong việc nâng cao kiến thức để người bệnh hợp tác dùng thuốc tốt.
Theo suckhoedoisong