Hoa hồng bạch, hoa đu đủ, quất… là những loại thực vật kết hợp chữa ho rất hữu hiệu.
Hoa hồng bạch hấp đường phèn
Theo Đông y, hoa hồng có vị ngọt, tính ấm, tác dụng hoạt huyết, điều kinh,…Từ xưa, người ta đã dùng hoa hồng để trị bệnh rất hiệu nghiệm.
Để trị ho cho trẻ dưới 1 tuổi mà không cần phải dùng tới thuốc tây, các bậc cha mẹ có thể dùng cánh hoa hồng bạch rửa sạch sau đó trộn với đường phèn, cho thêm một ít nước lọc, đem hấp cách thủy sau đó đem nghiền nát hoa hồng rồi lấy nước cho bé uống 3 – 4 lần/ngày, 1 thìa/ lần.
Hoa đu đủ đực trộn đường hấp cơm
Phần được dùng để chế biến làm thuốc ho là hoa đu đủ đực. Theo kinh nghiệm dân gian khi chọn hoa đu đủ đực để chữa bệnh nên chọn hoa mới nở ngay tại cây, thường dùng tươi.
Cách làm: Thành phần 10-20g hoa đu đủ đực (chọn hoa mới nở) trộn với đường trắng hoặc mật ong, hấp cơm trong 15-20 phút, sau đó lấy ra đem nghiền nát để dùng. Cho trẻ uống làm 2-3 lần trong ngày với nước đun sôi để nguội. Uống trong 3 ngày.
Để chữa ho kèm theo mất tiếng: Hoa đu đủ đực 15g, lá hẹ 15g, hạt chanh 10g. Tất cả để tươi, nghiền nát rồi hòa với 20ml, thêm ít mật ong hoặc đường kính trộn đều, uống làm 3 lần trong ngày. Dùng trong 3-5 ngày.
Chữa ho do viêm họng: Hoa đu đủ đực 15g, củ mạch môn, xạ can, lá húng chanh mỗi vị 10g. Tất cả cho vào một bát nhỏ, thêm ít muối, hấp cơm rồi nghiền nát. Ngày ngậm 2 – 3 lần, nuốt nước dần dần.
Trị ho bằng quất chưng đường phèn
Nguyên liệu chính là quả quất chín.
Chế biến: Bổ đôi quả tắc, tách hạt rồi cho vào chén cùng đường phèn. Có thể hấp trong nồi cơm (ngay khi cơm cạn nước) hoặc hấp cách thủy. Sau khi hấp chín, lấy nước cho trẻ uống. Với trẻ em, phụ huynh dùng 2-4 quả tắc là có thể dùng cho 3 lần uống trong một ngày. Với người lớn, người bệnh có thể ăn luôn cả quả tắc sau khi chưng.
Tinh dầu trong quả tắc sẽ kích thích hệ hô hấp, giúp long đờm và tống đờm ra ngoài. Vitamin C trong quả này còn giúp cơ thể tăng sức đề kháng và chống cảm cúm.
Theo Kiến thức