Lâu nay khi nói đến ung thư vú (UTV) thường nghĩ rằng đó là bệnh chỉ riêng có ở phụ nữ. Do đó, rất nhiều người không tin rằng đấng mày râu lại có thể mắc bệnh UTV. Một báo cáo gần đây cho thấy tỉ lệ UTV ở nam giới đã tăng 26% trong 25 năm qua và ngày càng có xu hướng gia tăng. Tại Việt Nam cũng đã có nhiều người mắc bệnh này.
Bệnh ít được quan tâm
UTV ở nam giới đôi khi có thể nhầm lẫn với một số bệnh của tuyến vú như: nữ hóa tuyến vú, áp-xe vú, tổn thương di căn đến vú và những bướu nguyên phát khác không phải UTV. Nhưng khác với UTV, các bệnh làm nữ hóa tuyến vú thường làm cho tuyến vú hai bên to và có tính đối xứng, giới hạn không rõ ràng, không xâm lấn thành ngực, không có hạch nách kèm theo.
UTV ở nam giới hiếm gặp hơn UTV ở nữ giới, thường gặp ở độ tuổi 50 – 60, trễ hơn 10 năm so với UTV ở phụ nữ nhưng lại nguy hiểm hơn. Bởi tuyến vú của nam không phát triển nên tốc độ tế bào ung thư xâm lấn vào gan, phổi, xương diễn ra rất nhanh.
Nam giới cũng có thể mắc ung thư vú. Ảnh minh họa
Thật ra, bệnh UTV ở nam giới rất dễ phát hiện ở giai đoạn sớm hơn đối với nữ. Triệu chứng điển hình của bệnh là có một cục cứng ở dưới quầng vú, đôi khi nằm ở 1/4 trên ngoài của vú, khi sờ vào có cảm giác rất đau. Tuy nhiên, với quan niệm cho rằng nam giới không và không bao giờ có bệnh UTV nên thường không được quan tâm đến những bất thường ở vú, vì vậy không bao giờ thực hiện việc tầm soát vú trong các cuộc kiểm tra định kỳ. Đến khi xảy ra các triệu chứng như: co rút đầu núm vú, loét da vùng vú, xâm lấn da hay dính vào thành ngực, kèm theo hạch nách… thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn trễ. Nặng hơn, bệnh có thể di căn đến xương, gan, não, phổi…
Điều trị UTV nam giớiĐiều trị UTV ở nam giới trong giai đoạn sớm cũng giống như những nguyên tắc của UTV ở phụ nữ. Bao gồm các phương pháp sau:
Phẫu thuật: là phương thức điều trị khi bướu còn nhỏ, còn khu trú tại chỗ với thủ thuật là đoạn nhũ tận gốc, không tái tạo hay bảo tồn vú. Đây là điểm khác biệt hoàn toàn với UTV trong giai đoạn sớm ở phụ nữ, do nam giới rất ít mô tuyến vú và bướu thường nằm ở vị trí trung tâm.
Xạ trị: đối với UTV ở phụ nữ đã có di căn hạch, xạ trị sau mổ vào thành ngực mang lại lợi ích sống còn. Trên thực tế, xạ trị rất cần thiết cho bệnh nhân nam vì tần suất bị xâm lấn núm vú và da trên vú ở nam giới là rất cao, đặc biệt là những bệnh nhân nam có trên bốn hạch nách di căn, hay bướu đã tiến xa tại chỗ.Hóa trị: trong UTV ở phụ nữ đã có rất nhiều các dữ liệu thống kê cho thấy ích lợi và cải thiện về kết quả điều trị. Ngược lại, trong UTV ở nam giới thì các thử nghiệm lâm sàng lại quá ít. Tuy nhiên, hóa trị được khuyến cáo nên áp dụng cho tất cả bệnh nhân có hạch nách đã bị di căn bất chấp kích thước bướu là bao nhiêu.
Xạ trị hay hóa trị hỗ trợ sau phẫu thuật có thể kéo dài 1 – 9 tháng tùy theo mức độ xâm lấn của bệnh. Thuốc nội tiết tố cũng đạt kết quả tốt trong một số trường hợp.UTV ở nam giới có diễn tiến rầm rộ và có tiên lượng xấu hơn nhiều so với UTV ở phụ nữ. Tỉ lệ sống còn toàn bộ thấp hơn ở những bệnh nhân lớn tuổi và bệnh ở giai đoạn muộn. Độ tuổi mắc bệnh, giai đoạn bệnh tại thời điểm chẩn đoán và tình trạng di căn hạch bạch huyết là những yếu tố tiên lượng quan trọng.
Phần lớn không có yếu tố nguy cơ rõ ràng. Một vài trường hợp liên quan đến nội tiết tố, có tiền sử bệnh lý ở tinh hoàn, tiền sử gia đình có người bị UTV, đã được xạ trị vào vùng ngực trước đó hay do những tai nạn của chất phóng xạ. Ngoài ra, những người hút thuốc, béo phì, đái tháo đường, lạm dụng rượu bia… cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Vì vậy, một lối sống hợp lý, điều độ cùng với việc khám sức khỏe định kỳ tầm soát UTV ở nam giới là chìa khóa giúp tầm soát và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.Theo thongtinsuckhoe