Biểu hiện của dị ứng thức ăn khá nhanh. Chỉ từ vài phút đến khoảng 2 giờ sau khi cho trẻ ăn thực phẩm có chứa các dị nguyên gây dị ứng.
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương sau 4 ngày điều trị tích cực đã cứu sống một bệnh nhi bị dị ứng thức ăn khỏi tình trạng nguy kịch. Bệnh nhi được chuyển tới bệnh viện trong tình trạng suy thở, nghi do sốc phản vệ với thức ăn.
Suýt tử vong vì dị ứng thức ăn
Theo người nhà bệnh nhi, sau bữa cơm trưa gồm thịt gà, thịt lợn, măng tươi, mít, cháu Nguyễn Duy H. (14 tuổi, Bắc Ninh) xuất hiện nhiều nốt sẩn ngứa trên da, sưng nóng môi, mắt mờ, chóng mặt, buồn nôn, đi ngoài nhiều lần…
Ngay khi thấy bé H. có dấu hiệu chóng mặt, buồn nôn, đi ngoài, người nhà nghĩ cháu H. bị ngộ độc thực phẩm nên đã đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Tại đây, tình trạng trẻ ngày càng nặng lên, bệnh nhi dần li bì, xuất hiện khó thở, tím tái, tụt huyết áp nên đã nhanh chóng được cấp cứu, đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp và được chuyển viện ngay.
Bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch, suy thở, nghi do sốc phản vệ với thức ăn. Lập tức bệnh nhi được cấp cứu, sử dụng các thuốc vận mạch, chống sốc, an thần, thở máy đảm bảo duy trì các dấu hiệu sinh tồn trong giới hạn bình thường.
Sau 4 ngày điều trị tích cực, cháu H. đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch, tự thở có ôxy hỗ trợ, mạch và huyết áp trở lại mức tương đối bình thường. Hiện tại, bệnh nhi đang được điều trị tại khoa Miễn dịch – Dị ứng lâm sàng.
Những thực phẩm dễ gây dị ứng.
Những thực phẩm dễ gây dị ứng
Tôm, cá, sữa bò, trứng, lạc, đậu nành là những thực phẩm dễ gây dị ứng. Nếu như ở người lớn, ta thường thấy hay gặp dị ứng với tôm, cá thì với trẻ em phần nhiều là dị ứng với sữa bò, trứng và đậu nành là những thực phẩm dễ gây dị ứng.
Tỷ lệ trẻ bị dị ứng với sữa bò là 2,5%; trứng 1,3%; lạc 0,8%; đậu nành 0,4%. Các phản ứng dị ứng với các thực phẩm không chứa protein hoặc ít protein là hiếm khi xảy ra.
Dị ứng thức ăn là dị ứng với thực phẩm đưa vào đường tiêu hóa nhưng các biểu hiện chủ yếu lại ở da và những yếu tố gây nặng bệnh lại nằm ở đường hô hấp. Có đến 80% trẻ bị dị ứng có biểu hiện ở da, 20% có biểu hiện triệu chứng đường hô hấp, 20% có biểu hiện ở hệ tiêu hóa, các triệu chứng khác chỉ chiếm vài phần trăm. Dị ứng thức ăn nếu không được điều trị tốt có thể dẫn đến những hệ lụy không thể khắc phục được.
Những dấu hiệu nguy hiểm
Biểu hiện của dị ứng thức ăn khá nhanh. Chỉ từ vài phút đến khoảng 2 giờ sau khi cho trẻ ăn thực phẩm có chứa các dị nguyên gây dị ứng.
Đó là những biểu hiện nổi ở bề mặt cơ thể, dễ thấy, dễ quan sát. Ở mức độ nhẹ, trẻ có biểu hiện sưng môi, ngứa miệng lưỡi, ngứa hầu họng.
Ở mức độ vừa, trẻ sẽ bị ngứa khắp mình mẩy, nổi nốt đỏ kích thước lấm tấm hoặc có thể nổi thành những ban đỏ kích thước lớn, mắt có thể sưng đỏ, chảy nhiều nước mắt.
Ở mức độ nặng, trẻ có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, khó thở và sốc dị ứng. Khi rơi vào trường hợp nặng cần xử trí nhanh chóng, nếu không có thể dẫn tới tử vong.
Khi có các biểu hiện ở mức độ nặng như tiêu chảy liên tục, khó thở đến tím tái, sốc phản vệ dữ dội. Khi có một hay tổ hợp các biểu hiện trên thì cần khẩn trương cấp cứu, đưa đến trạm y tế gần nhất trước khi chuyển đến bệnh viện có chuyên khoa.
Phải làm gì khi trẻ bị dị ứng?
Tuyệt đối tránh những thức ăn mà trẻ bị dị ứng, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, lứa tuổi bị dị ứng thức ăn cao nhất. Sự kết hợp ăn kiêng với một chế độ bù dưỡng chất từ thực phẩm bổ sung là một giải pháp an toàn.
Tuy nhiên, nhiều trẻ khi lớn lên có khả năng dung nạp các thực phẩm vốn đã từng gây ra dị ứng khi còn nhỏ. Hiện tượng này thường xảy ra với trứng, sữa, đậu nành. Có khoảng 85% trẻ em dung nạp được với trứng và sữa sau 3 – 5 năm, và khoảng 50% trẻ hết các phản ứng dị ứng ở độ tuổi 8 – 12 tuổi. Những đứa trẻ này tiếp tục sẽ hết dị ứng thức ăn khi lớn lên. Do vậy, chúng ta sẽ cho trẻ làm quen dần với những thực phẩm này ở độ tuổi đến trường để nhanh chóng trả lại cho trẻ một chế độ ăn cân bằng và đa dạng
Khi cho trẻ ăn dặm cần thận trọng nếu trẻ có biểu hiện dị ứng thức ăn.
Vì tình trạng dị ứng thức ăn ở trẻ liên quan nhiều đến di truyền nên những gia đình có thành viên gần có cơ địa dị ứng hoặc mắc những bệnh dị ứng thì đứa trẻ sẽ có nguy cơ cao mắc một hoặc nhiều các bệnh liên quan đến dị ứng như viêm mũi dị ứng, hen dị ứng, eczema và dị ứng thức ăn.
Trong tình huống này, khi mang thai, bà mẹ không nên ăn nhiều lạc và đậu nành nhằm hạn chế khả năng dị ứng cho trẻ trong độ tuổi bú mẹ.
Mặc dầu sữa mẹ chứa ít protein như trong chế độ ăn nhưng bà mẹ cho con bú nên hạn chế những thực phẩm mà có thể gây dị ứng cho trẻ nhằm làm an toàn hóa sữa mẹ.
Dị ứng có thể phòng tránh được không?
Chúng ta không nên chờ khi con mình xuất hiện các triệu chứng dị ứng rồi mới phòng tránh. Những trẻ bị dị ứng thức ăn khi nhỏ sẽ có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh dị ứng khác trong suốt cuộc đời, như viêm mũi dị ứng, chàm hoặc hen phế quản, đó là “tiến trình dị ứng”.
Nếu xác định trẻ có nguy cơ cao nên sử dụng các phương pháp phòng ngừa dị ứng sớm qua chế độ ăn:
– Bú mẹ hoàn toàn ít nhất 6 tháng, loại bỏ các dị nguyên thức ăn trong chế độ ăn của mẹ.
– Trường hợp không có sữa mẹ nên sử dụng các công thức sữa giảm tính dị ứng với đạm thủy phân một phần, tránh sử dụng sữa bò.
– Không nên cho trẻ ăn dặm sớm trước 6 tháng tuổi. Khi trẻ ăn dặm nên làm quen với các loại thức ăn từ từ, ăn một loại thức ăn mới mỗi tuần để theo dõi và tránh các loại thức ăn dễ gây dị ứng như: Lòng trắng trứng, lạc, hải sản (tôm, cua, sò điệp khô và tươi). Những thức ăn này nên tập cho trẻ ăn sau 12 tháng tuổi.
Theo suckhoedoisong